Chủ Nhật, 8 tháng 6, 2014

Xu hướng tăng nhu cầu học tiếng Nga trở lại

Gặp giáo viên gia sư tiếng Nga Hà Nội và học viên lớp tiếng Nga ở các trung tâm gia sư tiếng Nga cũng như tại nhà riêng, tôi đã hiểu, tiếng Nga quay trở lại cuộc sống, và bỗng nao nao nhớ lời bài hát “Tiếng Nga mãi cùng ta”…

Từ chuyện khách Nga…
Đã có thời, tiếng Nga phổ thông tới độ người ta gặp nhau đều vui vẻ hỏi đùa nhau: “Tình hình “xây-chát” (bây giờ) có gì “nô-vưi” (mới)?”. Sau khi Liên Xô sụp đổ, tiếng Nga vắng bóng trong trường phổ thông và vắng bóng luôn trong cuộc sống. Do đó, khi lượng khách Nga tăng đột biến ở TP. Nha Trang, có những câu chuyện cười ra nước mắt về bất đồng ngôn ngữ Nga - Việt.

Chị Nguyễn Thu Oanh - từng là chủ cửa hàng kinh doanh tranh nghệ thuật và đồ lưu niệm trên đường Hùng Vương nhớ lại: “Lần đó, một ông Tây tới hỏi mua đồ, tôi nói giá 5 USD, ông ấy lắc đầu ra ý không hiểu tiếng Anh. Tôi liền chìa máy tính và bấm số 5. Ông ấy nói gì đó, nghe giống như “chẻ tư ra”. Tôi nghĩ mãi không hiểu ông này muốn gì, đành lắc đầu tiễn khách. Sau đó, tôi mới biết, ông ấy trả giá bằng tiếng Nga: 4 USD”. Còn chị Nguyễn Thị Kim Cang lý giải nguyên nhân quyết tâm gửi đứa con gần 10 tuổi cho bà nội, nhờ em gái trông giùm cửa hàng để theo học lớp tiếng Nga buổi tối tại Trung tâm Mỹ Anh (đường Hoàng Hoa Thám): “Mình nói tiếng Anh, khách Nga không hiểu. Vì vậy, mình đành nói giá bằng… máy tính. Không biết tiếng Nga, có muốn tư vấn, thuyết phục khách hàng cũng khó!”.

Cô giáo Bùi Thị Thúy (Khoa Ngoại ngữ Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang) cũng từng “cấp cứu” qua điện thoại cho một chị bán trái cây tại chợ Đầm, khi chị này bị khách Nga mắng mỏ vì bán nhầm xoài xanh, trong khi khách muốn mua xoài chín. Nghe cô giải thích, khách mới hiểu chỉ là nhầm lẫn do bất đồng ngôn ngữ…
… đến những bài học tiếng Nga
Sự tham gia đầu tư, hợp tác của các công ty, đối tác đến từ Nga ngày càng lớn, kéo theo nhu cầu sử dụng những người biết tiếng Nga. Do đó, đã xuất hiện một “dòng chảy” âm thầm - những lớp dạy học tiếng Nga ở TP. Nha Trang. Nghỉ hưu đã gần 10 năm, giờ đây, cô Nguyễn Thị Huy Diệu (nguyên giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang) bỗng trở nên bận rộn bởi tiếng Nga. Trong thời gian công tác, cô đã chứng kiến sự thăng trầm của tiếng Nga cũng như những người dạy tiếng Nga. Trong ký ức của cô có hoài niệm đẹp về một thời đỉnh cao, huy hoàng của tiếng Nga; nhưng cô cũng không giấu được nỗi buồn khi một thời gian dài không phát huy hết năng lực của người được đào tạo chuẩn về tiếng Nga. Tuy nhiên, đối với cô Diệu, may mắn là chừng ấy năm, tơ vương với tiếng Nga chưa bao giờ đứt. Khi thì cô dạy cho các sĩ quan Không quân, khi thì bồi dưỡng cho học sinh, sinh viên chuẩn bị du học…

Khi “làn sóng” Nga trở lại, lượng khách du lịch Nga tăng đột biến, những người được đào tạo tiếng Nga trong nước và ở Nga như cô Diệu trở thành của quý hiếm. Giờ đây, tiếng Nga gần như lấp đầy khoảng trống thời gian của cô Diệu, có khi là anh bán bánh mì nhờ viết hộ mấy chữ, bác lái taxi nhờ bày cho mấy câu hay anh bác sĩ điện thoại nhờ cô nói chuyện với khách… Hiện nay, học trò cô có nhiều thành phần, từ học sinh, sinh viên đến nhân viên, quản lý khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi, thậm chí cả hướng dẫn viên du lịch tiếng Nga. Cô chuyên tâm dạy, học trò chuyên cần học với cả tình yêu và sự kiên trì dành cho tiếng Nga - ngôn ngữ mà cả người học và người dạy đều thấy khó “nhằn”. “Khi thì dạy, lúc soạn bài, tra cứu từ điển, công việc bận rộn khiến căn nhà vốn vắng vẻ đã bớt trống trải hơn. Tiếng Nga đã đem lại nguồn vui cho tôi” - cô Diệu tâm sự.

Lớp dạy tiếng Nga của cô giáo Đinh Thị Lượng ở Trung tâm Mỹ Anh (đường Hoàng Hoa Thám) thu hút gần chục bạn trẻ theo học đều đặn 2 buổi tối/tuần. Đã từng là giáo viên nhiều năm dạy tiếng Nga nên cô rất vui khi phong trào học tiếng Nga quay trở lại.

Anh Hồ Văn Quynh - giám sát nhà hàng đã theo học tiếng Nga hơn 1 năm nhận xét, học tiếng Nga có lẽ khó nhất là chữ viết. Bạn Trần Tuyết Anh (Cao đẳng Kinh tế đối ngoại) và Lê Thị Thanh Tâm (Đại học Văn Lang) cũng đồng tình với nhận định này. Còn cô Thúy khẳng định, không chỉ chữ viết, phát âm, mà ngữ pháp tiếng Nga cũng khó hơn tiếng Anh. Tuy nhiên, nếu có động lực để học, không lo gì không nói thành thạo được tiếng Nga. Tuy tiếng Nga khó, nhưng rất vui. Cô kể, ở lớp học tiếng Nga của Khách sạn Sunrise, hồi đầu, có học viên suốt 3 tuần đầu không sao phát âm được chữ “r” rung lưỡi đúng kiểu Nga. Còn giờ đây, họ đã thành thạo giao tiếp cơ bản. Ông Raju Nair Kurup - quản lý lưu trú Khách sạn Sunrise Nha Trang nói: “Việc đào tạo tiếng Nga đã giúp chúng tôi chủ động hơn khi đáp ứng yêu cầu của du khách Nga cũng như tăng cường sự hiểu biết, lòng yêu mến của du khách dành cho Khách sạn Sunrise nói riêng và TP. Nha Trang - điểm đến văn minh, thân thiện nói chung”.

Cô Thúy cho biết: “Dạy tiếng Nga, thực tế là dạy cả văn hóa Nga. Điều đó không thể một sớm một chiều mà đạt được, nhưng lại rất cần thiết với những người làm trong nghề du lịch”. Cô luôn nhắc các học viên đừng bao giờ nói từ “khui” bia, rượu trước mặt khách Nga, bởi âm của từ này trong tiếng Nga là một từ dung tục. Hãy nói “mở” bia, rượu khi thấy khách Nga. Đó là bài học đầu tiên mà cô dạy trò. Những xung đột văn hóa luôn được cô Thúy trau dồi qua thực tế và truyền đạt cho các học viên (có cả học viên Nga). Nguyên tắc tiếp theo của cô là hãy cố gắng nói đúng.

Qua bao năm đi dạy, học trò cô Thúy có nhiều thành phần, nhưng đặc biệt nhất có lẽ là những tiểu thương bán trái cây, giày dép, đồ lưu niệm ở chợ Xóm Mới và chợ Đầm (trong 3 lớp dạy tiếng Nga miễn phí). Cô Thúy xót xa: “Họ bán hàng vất vả mà lời lãi có khi không bằng “cò” ăn chặn trong 5 phút!”. Vì vậy, dù rất bận, nhưng có buổi, cô vẫn giảng tới 22 giờ 30. Cô Thúy chia sẻ: “Dọn hàng xong đã 21 giờ, vậy mà các tiểu thương vẫn gắng tới nhà mình để học. Nhìn các chị cắm cúi viết, mình đi nghỉ sao đành!”.

Hiện nay, không chỉ Khách sạn Sunrise mà khá nhiều khách sạn, nhà hàng, quán bar... đã chủ động thuê giáo viên, tự mở lớp tiếng Nga cấp tốc cho nhân viên, thêm chữ Nga trên biển hiệu, thông báo, chỉ dẫn… để thu hút khách. Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh (thuộc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cũng trích kinh phí hoạt động chuyên môn để hỗ trợ nhân viên ở các bộ phận học tiếng Nga giao tiếp… Nghĩ về việc dạy và học tiếng Nga, cô Thúy tâm sự: “Tuy dạy tiếng Nga từ năm 1984 nhưng niềm vui lớn hơn việc cô được liên tục dạy ngoại ngữ này là từ năm nay, ngôi trường nơi cô công tác bắt đầu dạy lại tiếng Nga. Sinh viên sẽ có thêm cơ hội việc làm khi ra trường”.

Bao năm rồi, giờ đây chợt nao nao nhớ lời bài hát “Tiếng Nga mãi cùng ta” được thể hiện lần đầu tiên qua sóng của Đài Truyền hình Việt Nam nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga cách đây vài năm: “Kìa ai đang say sưa theo tiếng Anh, hay tiếng Pháp/Còn tôi yêu say tiếng Nga như cuộc đời tha thiết/…Đừng nói câu từ biệt/Mãi mãi tiếng Nga cùng ta...”.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Scroll to top